Nhiều thay đổi quan trọng về chương trình thực tập sinh mới tại Nhật Bản

[Cập nhật tháng 7/2023] Có nhiều đổi mới về chương trình thực tập kỹ năng trong thời gian tới. Tuy nhiên vẫn sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu chính là đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề, ngoại ngữ đóng góp cho cộng đồng quốc tế.

Cùng với đó là góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng tại Nhật Bản. Hai tôn chỉ này sẽ được thực hiện hài hòa.

Không chỉ vậy, các vấn đề về nhân quyền cho người lao động cũng sẽ được chính phủ Nhật Bản đảm bảo tối đa.

Ông Kaneko Ryutaro (Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản) phát biểu trong Hội thảo

Đó là chia sẻ và khẳng định của ông Kaneko Ryutaro - Phó Giám đốc phòng hợp tác quốc tế (Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản) - tại hội thảo về Chương trình Thực tập kỹ năng do các cơ quan chức năng và Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức ngày 20-7 tại Hà Nội.

Chủ đề "nóng" này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, thu hút hơn 200 đại diện doanh nghiệp (DN) phái cử tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Hơn 50% số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật đến từ Việt Nam

Trong hơn 30 năm qua, đã có hơn 400.000 thanh niên Việt Nam tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng. Hiện nay, trong 15 nước phái cử thực tập sinh (TTS) sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng TTS nhập cảnh hằng năm vào Nhật Bản và số lượng TTS đang thực tập tại Nhật Bản.

Hiện tại có hơn 200.000 TTS Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản (chiếm hơn 50% tổng số TTS nước ngoài tại Nhật Bản). Riêng năm 2022, có gần 68.000 TTS, và 6 tháng đầu năm 2023 có hơn 40.400 TTS Việt Nam sang Nhật Bản.

Số lượng TTS Việt Nam làm việc tại Nhật Bản ngày càng tăng. Trong ảnh là các TTS công ty Haio Education vừa xuất cảnh đầu tháng 7/2023, làm việc ngành Thực phẩm tại Okayama

Nhiều bất cập và hạn chế của chương trình TTS kỹ năng

Bên cạnh hầu hết các DN phái cử đầu tư bài bản, tuân thủ luật pháp của Việt Nam và Nhật Bản, thì cũng có một số DN hoạt động yếu kém, dẫn đến tình trạng nhức nhối là TTS bỏ trốn khỏi nơi thực tập, làm việc bất hợp pháp, vi phạm pháp luật nước sở tại…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (DOLAB), Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ ra một số nguyên nhân chính gây nên tình trạng trên như: DN phái cử chưa thực hiện tốt việc tuyển chọn, phái cử và quản lý TTS; nghiệp đoàn Nhật Bản không thực hiện đúng quy định pháp luật hai nước, tạo ra gánh nặng chi phí cho TTS; đơn vị tiếp nhận TTS có điều kiện, môi trường làm việc chưa tốt; TTS phải trả chi phí cao hơn nhiều so với quy định…

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước

Không chỉ vậy, Chế độ thực tập kỹ năng bắt đầu từ năm 1993 đến nay cũng bộc lộ một số hạn chế như TTS chỉ nhận mức lương cơ bản tối thiểu và không có tiền thưởng, các khoản phụ cấp như lao động Nhật Bản. Nhiều trường hợp điều kiện lao động không được bảo đảm, thu nhập chưa cao, chủ sử dụng đối xử không tốt…

“Vậy nên, phía Việt Nam hoan nghênh và rất ủng hộ việc phía Nhật Bản triển khai việc xem xét sửa đổi quy định liên quan đến chương trình tiếp nhận TTS, lao động nước ngoài đến Nhật Bản và sẵn sàng phối hợp, tích cực đóng góp ý kiến để phía Nhật Bản tham khảo trong quá trình sửa đổi chính sách”, ông Hương khẳng định.

Nhiều thay đổi quan trọng để đảm bảo tối đa lợi ích cho người lao động

Cung cấp và làm rõ thêm định hướng sửa đổi chính sách tiếp nhận TTS kỹ năng nước ngoài của Nhật Bản trong thời gian tới, ông Kaneko Ryutaro, cán bộ Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, cho biết việc sửa đổi đang được nghiên cứu ở cấp độ hội đồng chuyên gia.

"Tháng 5-2023, hội đồng chuyên gia đã có báo cáo giữa kỳ và kết quả thảo luận, nghiên cứu. Dự kiến mùa thu năm nay, hội đồng sẽ đưa ra báo cáo cuối kỳ và lộ trình thực hiện", ông Kaneko Ryutaro nói.

Trước khi trình Quốc hội Nhật Bản thẩm tra, thông qua, các bộ ngành sẽ cho ý kiến và có dự thảo chính thức.

Chương trình này sẽ nâng cao tính minh bạch, khả năng dự báo thông qua các đoàn thể, DN sử dụng lao động, cơ quan hữu quan nhằm tạo môi trường làm việc tốt và bảo vệ quyền lợi cho các TTS.

Hội thảo bàn về những đổi mới của chương trình TTS Kỹ năng tại Hà Nội đã thu hút hơn 200 DN phái cử tham gia trực tiếp và trực tuyến 

Bên cạnh đó, tăng cường chức năng của các nghiệp đoàn như liên lạc, hỗ trợ toàn diện với lao động nước ngoài tại Nhật Bản, loại bỏ những người môi giới, DN phái cử không đủ tiêu chuẩn và ngăn ngừa thu lệ phí quá mức. "Đây là một trong những nội dung chính mà hội đồng chuyên gia sẽ bàn thảo trong thời gian tới" - ông Kaneko Ryutaronn khẳng định.

Ngoài ra, Cơ quan Quản lý thực tập sinh kỹ năng Nhật Bản (OTIT) cũng đang thực hiện các hoạt động hỗ trợ TTS và sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế để phát huy hơn nữa chức năng này.

Cần chọn lựa kỹ càng doanh nghiệp phái cử uy tín

Các DN phái cử yếu kém, chưa thực hiện tốt việc tuyển chọn, đào tạo, phái cử, quản lý và đồng hành cùng TTS là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cuộc sống và công việc của TTS tại Nhật Bản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…

Ông Kaneko Ryutaro chia sẻ, DN phái cử uy tín cần đảm bảo những điểm trọng yếu và cần thiết gồm:

- DN phái cử được lựa chọn phải có sự giới thiệu của cơ quan nhà nước. Các TTS nên xác nhận danh sách các DN phái cử đi nước ngoài đã được công nhận bởi Chính phủ tại trang chủ của các cơ quan quản lý.

- DN phái cử cần cho thấy sự minh bạch trong thông tin tuyển dụng, chi phí và hỗ trợ để TTS phát huy kỹ năng sau khi về nước. Cụ thể, DN phái cử cần công khai các khoản chi phí theo quy định, giải thích rõ ràng để TTS hiểu về mục đích, ý nghĩa của chế độ thực tập kỹ năng về nơi làm việc, giờ làm, tiền lương - kể cả khấu trừ tiền thuế, bảo hiểm, nội dung công việc, sinh hoạt tại Nhật Bản và những rủi ro khi bỏ trốn…

- Để hỗ trợ TTS, trước khi về nước các DN phái cử cần tư vấn, định hướng theo nguyện vọng cá nhân và kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn thực tế của họ. Ngoài ra, giới thiệu những tập đoàn, chi nhánh để tìm việc theo nhu cầu cho TTS sau khi về nước.

- Bên cạnh đó, cũng cần tìm hiểu kĩ và xác nhận những điều kiện quan trọng khác như: DN phái cử có kinh doanh đúng theo luật pháp của nước phái cử hay không, chương trình đào tạo trước xuất cảnh có thực hiện đầy đủ không (tiếng Nhật, tập quán văn hóa, tác phong làm việc...), có hành vi ép buộc ký kết bản cam kết đồng ý nộp tiền và giao tài sản khi TTS phá vỡ hợp đồng không…

Được giáo dục đầy đủ nội dung ở DN phái cử trước xuất cảnh sẽ giúp TTS nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới, công việc mới tại Nhật Bản 

Xem thêm: Top 5 cách chọn công ty phái cử đi Nhật uy tín, chất lượng 

Kiên quyết xử lý nghiêm khắc doanh nghiệp vi phạm

Trước thực trạng TTS Việt Nam bỏ trốn ngày càng tăng, đại diện Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản cho biết "top 5" DN phái cử tại Việt Nam có số lượng lao động bỏ trốn nhiều nhất sẽ bị dừng cử lao động sang Nhật Bản không xác định thời hạn. Trong quá trình bị ngừng, nếu DN đưa ra những bằng chứng cho thấy có cải thiện thì sẽ được xem xét chặt chẽ để xét duyệt về việc có được tiếp tục phái cử TTS hay không.

Về phía DN tại Nhật, đại diện Tổng cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Lưu trú Nhật Bản Ando Kentaro cho biết, cơ quan quản lý Nhật Bản đã có các cơ chế quản lý DN tiếp nhận bất hợp pháp các TTS bỏ trốn.

Ông Ando Kentaro, đại diện Tổng cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Lưu trú Nhật Bản 

Theo quy định, khi tiếp nhận TTS nước ngoài, DN phải thông báo với cơ quan chức năng để đối chiếu các thông tin về người đó. Đối với người nước ngoài khi làm việc tại Nhật Bản đều có thẻ cư trú. Các DN tiếp nhận người nước ngoài cũng phải quản lý nghiêm ngặt nhân sự của mình thông qua thông tin trên thẻ này.

Ông Ando Kentaro cũng thông tin, đối với doanh nghiệp tiếp nhận TTS bỏ trốn sẽ bị xử lý hình sự và có thể bị phạt tù 1 năm. Đây là chế tài hết sức nghiêm khắc với các DN này, do Tổng cục Quản lý Xuất nhập cảnh và lưu trú phối hợp với Cục Cảnh sát để xử phạt nghiêm túc. 

* Một nội dung quan trọng khác cũng được nhấn mạnh tại chương trình Hội thảo. Đó là việc TTS mang thai có phải về nước hay không, có được đảm bảo các quyền lợi khi mang thai và tiếp tục làm việc sau sinh hay không?

Xem thêm: Thực tập sinh mang thai tại Nhật không phải về nước 

* Trao đổi bên lề, bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản - ông Ishii Chikahisa cho biết dân số Nhật ngày càng già hóa nên tình trạng thiếu hụt nhân lực xảy ra tại tất cả ngành nghề. Trong đó tiêu biểu là các ngành như: xây dựng, điều dưỡng, điện tử, nông nghiệp...

Nhật Bản thiếu hụt lao động trầm trọng ở nhiều ngành nghề

Nguồn cung trong nước không đủ nên nguồn lao động nước ngoài đã góp phần rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Nhật Bản. Và Nhật Bản sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam để đưa lao động sang Nhật thực tập và làm việc với nhiều chế độ, chính sách mới để thu hút nhân tài, để người lao động an tâm sinh sống lâu dài tại Nhật. 

"Hiện nay, chính phủ Nhật Bản cũng liên tục khuyến khích tất cả người dân dù là người trẻ, người già, người khuyết tật... nếu có khả năng lao động thì hãy mạnh dạn tiếp tục làm việc tùy theo khả năng, sức khỏe, hoàn cảnh thực tế. Từ đó cùng chung tay góp phần giải quyết từng bước bài toán "khát" nhân lực tại Nhật Bản", ông Ishii Chikahisa đặt niềm tin. 

Chia sẻ bài viết

Đặt lịch tư vấn

QUA ĐIỆN THOẠI

Vui lòng gọi qua số Hotline của Công ty:

028.6250.0248

Thời gian làm việc:

Thứ 2-6 từ 8:00 - 18:00 Thứ 7: 8:00 - 12:00

HOẶC QUA E- MAIL
Xem bản đồ