Hướng tới lao động xuất khẩu chất lượng cao

Trong ba tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 37.923 người, đạt 34,48% kế hoạch cả năm, và gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu lao động tại nhiều thị trường tăng mạnh nên nhiều công ty trong nước đẩy mạnh đào tạo và xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với Việt Nam là giảm dần xuất khẩu lao động giản đơn, tiến dần đến xuất khẩu lao động chất lượng cao, xuất khẩu chuyên gia.

Tăng cao vì nhu cầu sau đại dịch COVID-19

Ông Nguyễn Gia Liêm - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH - cho hay số lao động đi nước ngoài trong ba tháng đầu năm 2023 không bất thường.

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước 

Việc tăng cao là do sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu nhân lực tại các nước tiếp nhận lao động gia tăng. Các ngành sản xuất chế tạo, nông nghiệp, chế biến thủy hải sản, các ngành dịch vụ trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng bệnh viện hoặc gia đình, dịch vụ nhà hàng khách sạn, sân bay... được "săn đón".

Cạnh đó, lao động Việt Nam đã làm việc tại các nơi như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc từ lâu nên được chủ sử dụng lao động đánh giá tích cực về trình độ, tay nghề. Đặc biệt là thái độ cần cù, chịu khó, chăm chỉ và tiếp thu công việc tốt. Cùng với đó, các doanh nghiệp đưa người đi làm việc ở nước ngoài đã có chuẩn bị sẵn về nguồn lao động thông qua kế hoạch đào tạo, sẵn sàng cung ứng theo yêu cầu của đối tác tiếp nhận.

"Trong năm 2023, thị trường đưa lao động đi làm việc nước ngoài sẽ tập trung ở khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Ước tính khoảng 90% tổng số lao động", ông Liêm nói.

Trong năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH cũng phối hợp với các cơ quan để triển khai đàm phán thỏa thuận hợp tác lao động với một số nước châu Âu. Dự kiến, khoảng 110.000 lao động được đưa đi nước ngoài trong năm nay.

Còn ông Doãn Mậu Diệp, chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, cho rằng việc lao động xuất khẩu tăng trong quý 1-2023 đều là số lượng lao động đã được các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn từ trước nhưng do tình hình dịch bệnh nên chưa đi được. Hiện dịch bệnh đã được kiềm chế và nhu cầu về lao động ở các nước đều tăng.

Ông Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam 

Hướng tới xuất khẩu lao động chất lượng cao

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nêu lao động Việt Nam đang có mặt ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và làm việc trong khoảng 30 ngành nghề khác nhau.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, nguồn lao động của Việt Nam vẫn còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp. Hiện vẫn còn một số lượng lớn lao động xuất khẩu là lao động phổ thông

Do vậy, thời gian tới cần mở rộng thị trường để đưa nhiều người lao động đi xuất khẩu, nhằm giải quyết việc làm, thu nhập. Trong đó, cần tập trung vào thị trường mới ở các nước châu Âu, Canada... và xác định ngành nghề có chất lượng cao cần tập trung hướng tới. Cạnh đó, cần tính đến vấn đề rất quan trọng là tăng chất lượng, đào tạo của người lao động.

Ông Nghĩa cũng chỉ rõ về lâu dài cần giải pháp nâng cao việc đào tạo tay nghề, giảm dần xuất khẩu người lao động làm việc có tính giản đơn, tiến dần đến xuất khẩu lao động có chất lượng cao, kể cả là các chuyên gia người Việt Nam. Từ đó giúp nâng cao giá trị gia tăng.

Cần nâng cao đào tạo tay nghề, kỹ năng cho người lao động trước xuất cảnh 

"Khi người lao động được chuẩn bị năng lực, kỹ năng tốt rồi đưa sang các nước, làm việc ở các môi trường có chất lượng cao thì sẽ học hỏi được nhanh hơn, nhiều hơn. Chính những người này sau khi hết thời hạn, về nước sẽ trở thành các "máy cái" để ứng dụng, áp dụng công nghệ, kỹ năng. Đó là điều rất tốt", ông Nghĩa nêu thêm.

Lãnh đạo Cục Quản lý lao động cũng cho rằng hiện nay chúng ta không khuyến khích lao động phổ thông đi làm việc nước ngoài mà khuyến khích lao động có trình độ chuyên môn để đảm bảo thu nhập, môi trường làm việc.

Tuy nhiên, nhiều nước vẫn nhận lượng lao động phổ thông nhất định để làm việc đơn giản như giúp việc, chăm sóc gia đình... Vì thiếu nhân lực, các nước có chính sách cởi mở hơn nhưng vẫn đưa ra yêu cầu cho lao động nhập cảnh đó là điều kiện chuyên môn, chứng chỉ nghề, trình độ ngoại ngữ...

Chẳng hạn, Nhật Bản đưa ra chính sách lao động đặc định tức là người lao động phải có trình độ chuyên môn, được cấp chứng chỉ, nội dung đào tạo tương đối với quy chuẩn nước họ.

Nguồn: Tổng hợp

Chia sẻ bài viết

Đặt lịch tư vấn

QUA ĐIỆN THOẠI

Vui lòng gọi qua số Hotline của Công ty:

028.6250.0248

Thời gian làm việc:

Thứ 2-6 từ 8:00 - 18:00 Thứ 7: 8:00 - 12:00

HOẶC QUA E- MAIL
Xem bản đồ